Liên hệ với chúng tôi

Tin Tức

Chàng trai "hái ra tiền" nhờ công việc “không làm gì cả”

Với chàng trai Morimoto thì "con người không làm gì vẫn có giá trị". Chính điều này đã trở thành phương châm sống của anh.

Chàng trai 'hái ra tiền' nhờ công việc “không làm gì cả”

Xuất bản:

Thanh Xuân
Chàng trai 'hái ra tiền' nhờ công việc “không làm gì cả”
Photo: internet

“Nếu bạn cần một người đi cùng tới cửa hàng mình ngại vào, một người cho đủ quân số chơi game, một người đến trước giữ chỗ để bạn ngắm hoa anh đào, hãy sử dụng dịch vụ ‘Không làm gì’ của tôi”. Đây là bài quảng cáo của người đàn ông có tên Shoji Morimoto (40 tuổi) vô cùng nổi tiếng tại Nhật Bản.

Mỗi ngày, có hàng loạt người “xếp hàng” chờ chỉ để thuê anh. Dịch vụ mà chàng trai này cung cấp cũng rất kỳ lạ: không làm gì mà chỉ lặng lẽ đồng hành với khách hàng. Với anh, khách hàng là tất cả.

chang-trai-hai-ra-tien-nho-cong-viec-khong-lam-gi-ca-1

Gần đây, Morimoto đã cho ra mắt một cuốn tự truyện, dù vậy, cuốn sách này cũng không phải do anh viết. Nói về cuốn sách mà anh vừa cho ra mắt - một cuốn sách có tên Rental Person Who Does Nothing (tạm dịch: Người cho thuê nhưng không làm gì cả), Morimoto cho biết anh không thực sự viết nên cuốn sách này.

Thay vào đó, một người viết ẩn danh và một biên tập viên cùng đặt ra những câu hỏi cho anh, anh đưa ra cho họ những câu trả lời rất đơn giản, để họ phát triển nội dung cho cuốn sách.

Khi tiếp xúc với Morimoto, người ta nhận thấy ở người đàn ông này sự xa cách nhưng vẫn thú vị, anh chân thành trong các chia sẻ và luôn bình thản nhận xét về bản thân với chút giễu nhại và sự tự trào.

Điều thú vị và hài hước đằng sau câu chuyện của Morimoto, đó là một người đàn ông vốn luôn bị sếp và đồng nghiệp nhận xét là "không làm gì cả", cuối cùng lại tìm được một công việc độc đáo và khiến anh cảm thấy hài lòng, trong khi anh vẫn có thể tiếp tục... "không làm gì cả".

Morimoto ước tính anh đã kiếm được số tiền tương đương hơn 6,5 tỷ đồng kể từ khi bắt đầu cung cấp dịch vụ "đồng hành nhưng không làm gì cả".

Trước đây, Morimoto thường cảm thấy chán sự đơn điệu và lặp lại trong công việc của mình. Những khi có việc làm ổn định, anh thường nhanh chóng bỏ việc. Morimoto thường bị các sếp và đồng nghiệp chỉ trích là "không làm gì cả", vì vậy, anh quyết định mình sẽ biến việc "không làm gì cả" trở thành công việc chính thức của mình.

Cuộc sống của người đàn ông đã hoàn toàn thay đổi từ tháng 8/2018, khi Shoji Morimoto cho ra mắt dịch vụ trả tiền để “không phải làm gì cả”.

Với dịch vụ cho thuê chính mình, anh sẵn sàng xuất hiện bên cạnh khách hàng trong bất kể hoạt động nào, như ngắm hoa anh đào, lắng nghe hoặc chỉ hiện diện bên cạnh họ.

Thông tin trên Báo Tin Tức, ý tưởng độc đáo của Morimoto nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội. Anh đã nhận được vô số yêu cầu thuê mình từ những người hoàn toàn xa lạ.

Số lượng người theo dõi trên Twitter của anh đã tăng từ vài chục người lên hơn 170.000 người sau một năm, và hiện là hơn 270.000 lượt theo dõi.

Khi ngày càng nổi tiếng, Shoji cũng bắt đầu nhận được lời mời từ các kênh truyền hình, tạp chí và điều đó mang lại nhiều công việc hơn cho anh. Hiện tại, người đàn ông này bận rộn đến mức anh phải làm việc hầu hết các ngày trong tuần. Shoji rời khỏi nhà từ lúc 8h30 sáng và chỉ trở về nhà vào 10 giờ đêm. Shoji cho biết hầu hết mọi người đều muốn trả thêm tiền cho thời gian bên cạnh anh. Ban đầu, anh rất ngại khi nhận thêm tiền từ khách, nhưng sau một thời gian anh đã quen với điều đó. 

Trong một dòng tweet từng đăng tải, Shoji tiết lộ chi tiết về công việc của mình. Anh được khách hàng là một người đàn ông mời đến khách sạn 5 sao mỗi tháng một lần theo sở thích của họ. Người này thuê anh ta vì ông muốn kể với mọi người về sở thích của mình, vì vậy Shoji chỉ đơn giản là ngồi lắng nghe khách hàng của mình chia sẻ trong 3 tiếng đồng hồ.

Anh cũng được một người phụ nữ yêu cầu đi cùng khi cô ấy đến tòa án nộp đơn ly hôn để bớt cô đơn, hay nhận được yêu cầu ngồi sau một người đàn ông trong một phiên tòa xét xử dân sự, để họ cảm thấy luôn được ai đó hỗ trợ.

Bản chất kỳ lạ của công việc của Morimoto có phần mâu thuẫn với xã hội coi trọng năng suất và coi thường sự vô dụng, đặc biệt là ở Nhật Bản. "Mọi người có xu hướng nghĩ rằng việc ‘không làm gì’ của tôi có giá trị vì có ích cho người khác… Nhưng thực sự không làm gì cả cũng không sao đâu. Mọi người không nhất thiết phải hữu ích theo bất kỳ cách thức cụ thể nào", Morimoto nói.

0 Bình luận

0 Bình luận

Cùng chuyên mục